Con đường bê tông mềm như một dải lụa uốn mình giữa núi đồi, từ trung tâm xã Quảng Sơn (Hải Hà) vào bản Mảy Nháu, cộng với hình ảnh những ngôi nhà được xây bằng gạch nằm san sát hai bên đường, khiến tôi liên tưởng tới những “nốt nhạc vui” ca ngợi sự đổi thay của một bản nghèo khi xưa...

Bản làng xưa...
Bản Mảy Nháu nằm sâu trong những triền núi của xã Quảng Sơn với đời sống kinh tế vô cùng khó khăn. Khi xưa, người dân Mảy Nháu muốn bán một con lợn cũng phải cùng nhau khiêng đến Pạc Sủi để thương lái có thể cân bán. Anh Phùn A Tài (Trưởng bản Mảy Nháu) kể rằng, ngày trước, bà con muốn đi chợ phải đi bộ ra thôn 3, thôn 4 ngủ nhờ nhà người quen rồi sáng hôm sau đi bộ xuống chợ từ lúc bốn giờ. Khi đó, nhà nào có xe đạp thì còn phải vác cả xe đạp qua mấy con suối nữa. Trẻ con ở đây quanh năm chỉ biết đến màu xanh của núi rừng và rất hiếm có điều kiện để theo cha mẹ đi họp chợ. Vấn đề sức khoẻ cũng chẳng được quan tâm nhiều, có người ốm đau thì bỏ cáng khiêng xuống trạm xá, xa xôi, vất vả vô cùng…
Anh Phạm Văn Minh (giáo viên tiểu học tại điểm trường Sám Cáu, bản Mảy Nháu) chia sẻ: “Những ngày chưa có đường, chúng tôi thường phải đi bộ 5km, gánh gồng đủ lương thực thực phẩm để ở từ đầu tuần tới cuối tuần. Hồi ấy, chúng tôi đã có xe máy đi làm nhưng phải gửi ở nhà dân cách 7km vì chỉ có một con đường mòn, không thể đi xe máy, xe đạp mà chỉ có thể đi bộ 9km mới vào đến điểm trường. Học sinh ở đây nhiều em ở xa điểm trường ít nhất cũng 3km nên các thầy thường hỗ trợ đón các em đến trường”.
Các hộ dân tập trung thưa thớt, chủ yếu là những ngôi nhà vách đất hoặc vách tre đan. Có nhà thì ở trên đỉnh núi, nhà dưới chân núi, có nhà lại nằm sâu, ẩn mình trong khe núi. Mỗi lần muốn tập trung bà con là một lần cực nhọc đối với các cán bộ tuyên truyền. Ông Nguyễn Văn Mạc, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Hải Hà, kể lại: “Để vận động nhân dân, chúng tôi phải lội qua 3 con suối, vì nhà dân ở sâu trong núi. Trong nhà dân không có nổi một viên gạch vì xa quá không vận chuyển vào được. Thậm chí, có anh chủ nhà còn khoe chúng tôi can rượu mua để trong góc nhà mà lâu ngày không có ai uống vì nhà ở cách xa nhau, hiếm khi đến chơi nhà nhau được...”.

... Và những đổi thay hôm nay
Con đường dài khoảng 15km được triển khai vào cuối năm 2007 theo Chương trình 135 và được hoàn thành vào cuối năm 2010 đã giúp cho cuộc sống của bà con được thay đổi mạnh mẽ. Không còn cảnh trẻ con chờ đợi bố mẹ xuống chợ trong hai ngày, không còn cảnh người dân phải đi bộ, ngồi nhờ xe của Mỏ đá xuống chợ nữa. Đường đẹp, xe máy có thể vào tới tận nơi, việc buôn bán của bà con cũng thuận lợi hơn nhiều. Hàng hoá không còn phải chờ đến phiên chợ mà có thể mua bất cứ lúc nào. Các điểm trường, nhà văn hoá cũng được xây dựng đưa vào hoạt động. Trước năm 2010, bản không có lớp mầm non, còn nay ngoài những điểm trường tiểu học, trường mầm non cũng đã ra đời.
Có thể nói, con đường bê tông dẫn vào bản được hoàn thành đã mang đến một “làn gió mới” cho Mảy Nháu. Cùng với sự đầu tư về đường, chương trình xoá nhà tạm cho vùng sâu, vùng xa cũng đã mang đến cho Mảy Nháu một diện mạo mới. Những ngôi nhà vách tre đan và vách đất nằm rải rác khắp bản nay đã được thay thế bằng những ngôi nhà mới khang trang hơn. Năm 2010, theo chương trình 167 của Chính phủ, huyện Hải Hà triển khai xây dựng và hỗ trợ xây dựng 672 ngôi nhà, chủ yếu ở 5 xã (Quảng Sơn, Quảng Đức, Quảng Thịnh, Đường Hoa, Quảng Phong), trong đó 80% số nhà được xây dựng ở các bản của Quảng Sơn và Quảng Đức. Ông Nguyễn Văn Mạc nhớ lại: “Những năm trước, đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn, người dân vẫn còn mang tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước nên mỗi ban phụ trách một nhà hoặc một xã phụ trách 2 nhà. Cán bộ xã khi ấy cũng tham gia chuyển gạch, xây nhà, có xã thì đưa thợ lên hỗ trợ… tạo nên không khí xây dựng rầm rộ khắp bản…”. Với sự triển khai đồng bộ và nhanh chóng, đến cuối năm 2010, bản Mảy Nháu đã xoá được 98% số nhà tạm. Tới năm 2013, bên cạnh việc xoá bỏ nhà tạm, ở bản đã xây dựng được 3 ngôi nhà kiên cố.
Mảy Nháu thay áo mới, những “chòm dân” lưa thưa trên núi cao giờ đã không còn, những ngôi nhà đã được xây tập trung hai bên đường, bản làng giờ đã đông vui hơn nhiều. “Có cuộc họp nào thì chỉ cần chạy xe dọc theo đường thông báo là được chứ không còn phải trèo núi, lội suối nữa” - Trưởng thôn Phùn A Tài nói.
Có đường, điện cũng theo về với bản. Ông Chíu Sáng Pẩu, người dân Mảy Nháu, vui vẻ nói với chúng tôi: “Từ khi có đường vào bản, nhà tôi cũng sắm xe máy để đi lại cho dễ dàng. Có đường rồi có điện, chúng tôi không còn phải dung đèn dầu như trước nữa. Vui nhất là có ti vi để xem, để biết được nhiều thứ hơn”.
Đời sống được nâng cao, trình độ nhận thức của người dân ngày một tiến bộ, bà con đã biết cách làm giàu từ bản làng của mình. Ngoài trồng lúa, chăn nuôi, dân bản còn làm lâm nghiệp như trồng quế, hồi, sa mộc, măng mai… để phát triển kinh tế. Con đường mới đã đưa thương lái đến tận nơi để thu mua những nông - lâm sản, giúp giảm được đáng kể chi phí trong sản xuất, đồng thời thực phẩm, thương phẩm cũng được mang tận nơi phục vụ nhu cầu của bà con. Kinh tế tại bản đã dần có những bước phát triển rõ rệt, giúp nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc. Nếu năm 2007 bản có 100% hộ nghèo thì đến năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo của bản Mảy Nháu đã giảm xuống còn 28,33%.
Nói về sự đổi thay từng ngày của bản Mảy Nháu, ông Phùn Phúc Sáng, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn, không giấu được niềm vui, ông bảo: Nhất định trong tương lai không xa Mảy Nháu sẽ trở thành “bông hoa thơm giữa núi rừng đại ngàn”…
Vân Hải