Là một người con được sinh ra và lớn lên ở miền Tây Nam Bộ, tuy cuộc sống cơ hàn thiếu thốn nhưng trong những bữa cơm ở nơi đây luôn có món cá kho, canh cá,... làm no lòng ấm dạ những đứa con miền Tây. Mẹ nói rằng: “Quê mình tôm cá đầy sông, mà cá sông là sản vật của thiên nhiên ban tặng cho người dân vùng sông nước cho nên trong câu hát ru Nam Bộ có câu Về sông ăn cá về đồng ăn cua là vậy!” Giờ đây cho dù có xa cách bao nhiêu lâu thì trong kí ức của những đứa con xa xứ bôn ba vẫn nhớ như in những chuyến kéo lưới bắt cá sông... Nước ròng, những góc bần ven sông trơ cả rễ, để bắt được cá to, những đứa con miền Tây phải dùng tấm lưới lớn và dài, cho nên ít nhất phải có đến 4-5 người mới kéo được. Cảm giác khi mà ngay mẻ lưới đầu tiên, những con cá tra bần, cá diêu hồng nhảy tung tăng trên lưới nó thật phấn khởi và thích thú làm sao!
Theo kinh nghiệm của người dân miền sông nước, để kéo lưới được nhiều cá, phải canh con nước kém độ mồng mười âm lịch hằng tháng, cá sẽ di chuyển nhiều để kiếm mồi. Cá thường bơi ngược dòng nước nên người dân chỉ việc kéo lưới xuôi dòng, lùa cá vô tùng lưới và chọn bờ đất trống để úp vào. Hai đầu lưới người ta cứ phân viền tính dần đến khi bắt hết cá. Tuy nhiên kéo lưới trên sông thường chỉ phát huy tác dụng trong mùa nước kiệt, tức là mùa khô ở miền Tây.
Nếu tính theo con nước thì đồng bằng Sông Cửu Long có 2 mùa rõ rệt là mùa kiệt và mùa nước nổi. Vào mùa kiệt, lưu lượng nước trên các con sông chính như sông Tiền, sông Hậu khoảng 6000 mét khối 1 giây, còn vào mùa nước nổi thì lên đến 120000 một giây. Chính vì vậy, các con sông này mang đến cho người dân vùng sông nước miền Tây rất nhiều tôm cá, nhất là mùa nước nổi. Thời điểm từ tháng 7-10 âm lịch hằng năm là mùa cá sông sôi động nhất, ngư dân dùng rất nhiều phương thức đánh bắt cá sông độc đáo như đẩy lưới dồn, cất gió, dải chài, dở chài,... trong đó đẩy lưới dồn được xem là cách bắt cá sông độc đáo và hiệu quả. Một chiếc lưới to tướng được căn rộng bằng hai chiếc gọng gỗ dài, phần trụ được cố định xuống thân ghe và một thanh gỗ dài bằng chiếc thang dùng để cho người ta leo lên trên đỉnh dùng sức nặng cơ thể để cất lưới lên khỏi mặt nước. Cách đánh bắt độc đáo này thu hút rất nhiều người hiếu kỳ đứng bên mé sông để xem.
Nước nổi về mang theo tôm cá, sản vật ban tặng cho người dân miền sông nước miền Tây. Do đó hàng ngàn cư dân nghèo dọc miền sông nước có thêm kế sinh nhai từ cái nghề giăng lưới cá trong mùa nước nổi, từ các lão nông ở cái tuổi gần đất xa trời đến những cặp vợ chồng trẻ vừa thành gia thất cứ mãi chạy theo con nước để đánh bắt cá. Họ vượt hết con sông này tới cánh đồng khác, từ đầu mùa nước nổi tới lúc cuối mùa khi lũ cá tìm đường trở ra sông cuối tháng 10 âm lịch.
Nói đến con sông quê, ngoài hình ảnh bữa cơm với những món cá kho đồng, canh chua cá lóc,... những đứa con miền Tây còn nghĩ ngay đến điểm hẹn tuổi thơ của lũ con nít túm năm tụm bảy ôm bẹ chuối tập bơi, đứa nào chưa biết bơi thì cho chuồn chuồn cắn rốn… là nơi rộn rã tiếng cười vui của những buổi chiều tắm mát. Con sông quê bao giờ cũng dịu hiền, êm ái, cần mẫn và chở che - là bến nước tuổi thơ của những đứa trẻ miền Tây.
Đối với người miền Tây con sông quê còn là hình ảnh thân thương gắn liền suốt những năm tháng tuổi thơ, ngập tràn trong ký ức khi nhắc đến. Ghé về miền Tây ta sẽ bắt gặp hình ảnh cây cầu bến nước trước sông nhà. Cái bến nước nhỏ thân thương phục vụ cho mọi sinh hoạt giặt giũ, rửa chén, là nơi tụ họp nhau tắm sông của lũ trẻ trong làng.
Mỗi lần về quê, chiều chiều ra ngồi trên bến sông, nhìn qua rặng lá dừa nước, tàng lá của cây cà na trước bến, tôi lại bỗng thấy thấp thoáng cuộc đời lam lũ của “ông bà, tía má”, thấy tuổi thơ nhọc nhằn của mình và nhận ra cái ý nghĩa lớn lao của những danh từ ta thường vẫn gọi là nơi “chôn nhau cắt rốn”… Vậy rồi con sông quê trở thành ký ức sống mãi trong lòng mỗi người miền Tây chẳng riêng gì lũ trẻ.