1. Đặc điểm cây bách bệnh
Cây bách bệnh còn được gọi bằng một số tên khác như là bá bệnh, mật nhân, mật nhơn, hậu phác nam,... Tên khoa học của cây bách bệnh là Eurycoma longifolia thuộc hi Eurycoma, họ Simaroubaceae (Thanh thất).
Cây bách bệnh là một loại cây bụi có thân mảnh thường cao khoảng 10m. Thân cây bách bệnh thường mọc thẳng đứng và thường không phân nhánh. Lớp vỏ thân cây có màu trắng xám hoặc vàng ngà.
Lá cây bách bệnh mọc kép có khoảng 30- 40 lá chét đối xứng nhau có mặt trên màu xanh bóng và mặt dưới trắng. Lá kép có thể dài đến 1 mét, còn các lá chét thường có chiều dài từ 5 -20 cm và chiều ngang tối đa khoảng 6cm.
Khi trưởng thành, cây bách bệnh cho ra nhiều hoa và quả. Hoa bách bệnh thuộc dạng lưỡng tính, nở vào tháng 1 - 2 hàng năm, hoa có màu đỏ nâu, phát triển ở các nách lá thành từng cụm nhỏ hình chùy. Cánh hoa bách bệnh có kích thước khá nhỏ và mềm mại do có nhiều lông tơ mịn bao quanh.
Quả bách bệnh thường ra vào giai đoạn tháng 4 - 5. Quả hình trứng chứa một hạt, vỏ cứng có rãnh nhỏ ở giữa. Quả non có màu nâu vàng và chuyển dần sang màu nâu đỏ khi quả chín. Quả chín sau khi rụng xuống đất đến thời điểm gặp điều kiện thuận lợi sẽ đâm chồi và phát triển thành cây con mới.
Ở nước ta, cây bách bệnh ưa sống ở những vùng núi có độ cao dưới 1000 mét hoặc ở các khu vực trung du, Tây Nguyên hay những vùng đồi có chiều cao thấp.
Trừ hoa, tất cả các bộ phận của cây bách bệnh đều được sử dụng làm thuốc, bao gồm:
- Thân cây
- Vỏ thân
- Lá
- Rễ
- Quả
Trong số các bộ phận kể trên thì rễ cây bách bệnh được sử dụng phổ biến nhất.
Các bộ phận của cây mật nhân có thể được thu hái vào bất kỳ thời điểm nào trong năm. Lá cây và quả thường được hái đem về phơi khô ngay. Phần rễ, thân cây, vỏ thân sẽ được chặt thành những khúc ngắn sau đó mới đem phơi hoặc sấy cho thật khô.
Phân tích thành phần của vị thuốc bách bệnh, các nhà nghiên cứu phát hiện các hợp chất sau đâu:
- Chất đắng trong vỏ cây là Eurycomalacton, 2. 6 dimethoxybenzoquinon
- Các alcaloid gồm có carbolin và 10-dimethoxycanthin
- Hợp chất quassinoid gồm có Longilacton, 15-β-dihydroxyklaineanon hay eurycomalacton ...
- Hợp chất triterpen có Niloticin, piscidinol A, và hyspidron
- Một số hoạt chất khác như là campestrol, eurycoinanol, β-sitosterol, 2-O-β-D-glucopyranosid, 6 - dion...
2. Tác dụng của cây bách bệnh
Theo Y Học Cổ Truyền, vị thuốc bách bệnh có vị đắng, tính mát, đi vào kinh can, thận. Cây bá bệnh có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, lương huyết. Thường được sử dụng trong điều trị các chứng bệnh như chàm ở trẻ em, đi tiểu ra máu, chướng hơi, đầy bụng, ăn lâu tiêu, đau mỏi lưng.
Ngoài ra, lá cây bách bệnh còn giúp chữa lở ngứa, giúp giải rượu và trị giun, quả cây bách bệnh chữa bệnh lỵ.
Nghiên cứu dược lý hiện đại đã chứng minh một số tác dụng của cây bách bệnh:
- Thử nghiệm nuôi cấy in vitro cho thấy cao bách bệnh có tác dụng chống lại ký sinh trùng gây sốt rét
- Thử nghiệm trên động vật giống đực cho thấy có sự gia tăng đáng kể hàm lượng testosteron trong huyết thanh sau khi sử dụng dịch chiết xuất từ rễ và thân bách bệnh. Vì vậy mà các nhà nghiên cứu tin rằng bách bệnh có thể giúp làm tăng nội tiết tố và cải thiện chức năng sinh lý ở nam giới.
- Thử nghiệm thuốc bào chế từ bách bệnh, cây xấu hổ và cây trâm bầu trên chuột cống trắng cho thấy nó có tác dụng lợi mật rõ rệt. Đồng thời loại thuốc này còn đẩy nhanh tốc độ tái tạo của các tế bào gan chuột bị tổn thương, giúp làm giảm tác hại của carbon tetraclorid đối với gan chuột. Khi sử dụng trên bệnh nhân, thuốc làm giảm bilirubin trong máu.
Vị thuốc bách bệnh có thể được sử dụng ở nhiều dạng khác nhau như dạng sắc uống hoặc tán bột ngâm rượu, hoặc bào chế thành viên hoàn hay phối hợp cùng một số vị dược liệu khác.
Sử dụng cây bách bệnh quá liều hoặc kết hợp với các vị thuốc khác một cách tùy tiện có thể gây ra một số tác dụng phụ như:
- Đau đầu
- Đau bụng
- Buồn nôn, nôn ói
- Hạ huyết áp
- Hạ đường huyết
Cây bách bệnh được sử dụng trong điều trị nhiều bệnh lý có hiệu quả tốt, nhưng không phải ai cũng dùng được cây bách bệnh. Một số người khi sử dụng dược liệu này có thể gặp phải tác dụng phụ ngoài ý muốn hoặc khiến cho bệnh tình thêm trầm trọng. Cây bách bệnh không được khuyến khích sử dụng cho:
- Phụ nữ mang thai
- Người có thể trạng yếu, như bệnh nhân bị ung thư.
- Người đang có bệnh lý về gan, mật, dạ dày.
- Người bị bệnh tim mạch
- Trẻ em dưới 10 tuổi
- Người bị đái tháo đường
- Người đang gặp vấn đề ở tuyến tiền liệt như viêm, phì đại tuyến tuyến tiền liệt hoặc u.
3. Một số bài thuốc từ cây bách bệnh
- Bài thuốc chữa chàm ở trẻ nhỏ, chữa lở ngứa, ghẻ: Sử dụng lá cây bách bệnh đun nước tắm, rửa sạch chỗ bị chàm rồi giã nát lá tươi đắp lên đến khi khỏi.
- Bài thuốc chữa đầy bụng, ăn không tiêu: Sử dụng vỏ thân cây bách bệnh 12g, can khương 4g, trần bì 8g, đậu khấu 6g, xích phục linh 12g, cam thảo 4g, sắc uống mỗi ngày một thang, uống liên tục trong 5-7 ngày.
- Bài thuốc chữa phụ nữ kinh nguyệt không thông, đau bụng khi có kinh: Sử dụng rễ bách bệnh 15g, sắc uống trong ngày, dùng liền 7-10 ngày.
- Bài thuốc bổ, kích thích tiêu hóa: Sử dụng rễ bách bệnh 20g, 10 quả chuối sứ khô nướng vàng, đem ngâm với 1 lít rượu trắng, ngâm khoảng 7 ngày là dùng được, ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 chén nhỏ (khoảng 30 ml).
- Bài thuốc tăng cường sinh lực, hỗ trợ điều trị yếu sinh lý ở nam giới: Sử dụng bách bệnh 400mg, cùng với tinh chất nhân sâm 50mg, linh chi 50mg bào chế thành viên nang, sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa Y Học Cổ Truyền.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.