Thủng màng nhĩ là một bệnh lý không quá nguy hiểm và một số trường hợp có thể tự lành sau vài tuần mà không cần phẫu thuật. Tuy nhiên, mọi người cần chăm sóc, điều trị đúng cách để vết thủng nhanh lành, không tăng nặng, nhiễm trùng dẫn đến suy giảm thính lực.
Thủng màng nhĩ là gì?
Màng nhĩ là một lớp màng mỏng bán trong suốt hình dầu dục, ngăn cách tai ngoài với tai giữa, có vai trò tiếp nhận sóng âm trong quá trình nghe của con người và ngăn chặn các tác nhân có hại (bụi bẩn, vi khuẩn, virus,…) xâm nhập vào tai giữa.
Thủng màng nhĩ là hiện tượng màng nhĩ bị thủng, rách và có thể dẫn đến một số triệu chứng như suy giảm chức năng nghe, viêm tai giữa do bụi bẩn, nước bẩn tràn vào tai. (1)
Đối tượng có nguy cơ bị thủng màng nhĩ
Bệnh nhân thủng màng nhĩ thường không có độ tuổi cụ thể, nhưng bệnh thường có xu hướng xảy ra ở trẻ em, vì nhiều nguyên nhân như viêm tai giữa, trẻ nhỏ chơi đùa có dị vật…
Đặc biệt ở trẻ dưới 4 tuổi, hệ thống tai mũi họng của trẻ chưa phát triển hoàn toàn, vòi Eustache thông từ tai giữa đến vòm họng ngắn. Khi có một đợt viêm VA (viêm amidan vòm) xảy ra, dịch tiết viêm từ VA có thể dễ trào ngược lên khu vực tai giữa, gây viêm tai giữa và thủng màng nhĩ kèm theo.
Một số đối tượng có nguy cơ bị thủng màng nhĩ khác bao gồm:
- Người làm ở sân bay, hoặc sử dụng đường bay nhiều, thợ lặn,… Những môi trường làm việc thay đổi áp suất liên tục, sự chênh lệch áp suất có thể làm thủng màng nhĩ.
- Người tiếp xúc với nguồn âm thanh lớn nhưng tiếng máy động cơ, tiếng loa phát thanh,…
- Viêm tai giữa có thể gây thủng màng nhĩ và ngược lại. Đây là hai bệnh lý có thể làm tăng nặng lẫn nhau, khiến bệnh nhân mắc viêm tai giữa thủng nhĩ lâu lành, dễ tái lại hơn người bình thường.
- Người thường xuyên mắc các bệnh lý viêm nhiễm đường tai mũi họng như viêm xoang, viêm họng, viêm mũi dị ứng,…
Nguyên nhân gây thủng màng nhĩ
Màng nhĩ có độ đàn hồi tốt, nhưng độ dày trung bình chỉ khoảng 0,1 mm, và có thể bị thủng bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. (2)
- Chấn thương vật lý: Các tai nạn chấn thương trực tiếp vùng tai, vùng đầu có thể làm thủng nhĩ. Một số trường hợp khác là do dị vật như trẻ tự nhét dị vật vào tai, côn trùng bò vào tai,…
- Chấn thương do áp suất: Xảy ra khi áp suất không khí ở tai giữa và áp suất không khí ở môi trường bên ngoài không đồng nhất, sự mất cân bằng càng lớn, khả năng thủng màng nhĩ càng cao. Phổ biến nhất là khi máy bay cất cánh hạ cánh, khi lặn xuống biển,…
- Chấn thương do âm thanh: âm thanh quá lớn có thể khiến màng nhĩ bị thủng
- Nhiễm trùng viêm tai giữa là một nguyên nhân phổ biến, có thể gây ứ dịch trong tai giữa, khiến áp suất ở tai giữa lên màng nhĩ thay đổi, gây thủng nhĩ.
Dấu hiệu thủng màng nhĩ thường gặp
Mỗi người có thể gặp những triệu chứng thủng màng nhĩ ở các mức độ khác nhau, phổ biến bao gồm:
- Đau tai: Mức độ đau có thể từ nhẹ đến nặng, và có thể khởi phát ngay sau khi bị thủng màng nhĩ hoặc sau đó.
- Tai chảy dịch, chảy mủ: Dịch mủ có thể màu vàng, trắng, hoặc xanh.
- Suy giảm thính lực từ nhẹ đến nặng.
- Ù tai, cảm giác đầy tai.
- Buồn nôn, nôn, chóng mặt: Trường hợp thủng màng nhĩ nặng, ví dụ dị vật đâm sâu vào tai, có thể ảnh hưởng đến chức năng của hệ thống tiền đình trong tai, gây ra các triệu chứng buồn nôn, chóng mặt.
Phương pháp chẩn đoán thủng màng nhĩ
Tình trạng thủng màng nhĩ có thể được chẩn đoán khá dễ dàng. Bên cạnh các triệu chứng lâm sàng, khai thác tiền sử bệnh, bác sĩ có thể quan sát qua màn hình nội soi tai.
Trung tâm Tai Mũi Họng, BVĐK Tâm Anh TP.HCM trang bị cả hai hệ thống nội soi hiện đại ống cứng và ống mềm của Karl Storz và Xion - Đức, có khả năng quan sát các chi tiết bất thường ở trong tai, khe mũi, họng và thanh quản được rõ ràng, nhanh chóng chỉ vài phút, không gây đau đớn, khó chịu, kể cả với trẻ nhỏ.
- Nội soi tai mũi họng ống cứng: Là một kỹ thuật phổ biến, ưu điểm là hình ảnh rõ nét và chi phí thấp, được sử dụng thường quy trong chẩn đoán các bệnh lý tai và mũi - họng thanh quản nói chung.
- Nội soi tai mũi họng ống mềm: Ống nội soi này có độ mềm như ống nội soi dạ dày nhưng lại có đường kính nhỏ hơn (chỉ khoảng 3mm), có thể gập đến 130 độ giúp bác sĩ quan sát rõ những ngóc ngách nhỏ sâu của tai mũi họng. Nội soi ống mềm được áp dụng trong chẩn đoán bệnh lý vùng hạ họng thanh quản, hạ thanh môn. Phù hợp với cả trẻ nhỏ và không gây đau đớn, kích ứng cho người bệnh.
Thông qua nội soi, bác sĩ có thể quan sát được những tổn thương trên màng nhĩ như vị trí vết rách, thủng, mức độ thủng, tình trạng chảy máu, viêm nhiễm, chảy dịch trong tai,…
Một số trường hợp bệnh nhân có kèm dấu hiệu ù tai, chóng mặt, suy giảm thính lực, bác sĩ có thể chỉ định thêm một số xét nghiệm cận lâm sàng để hỗ trợ đánh giá tình trạng bệnh và tìm nguyên nhân chính xác.
- Đo thính lực: Kỹ thuật này nhằm xác định ngưỡng nghe của một người ở các tần số âm thanh khác nhau. Bác sĩ đọc kết quả dưới dạng biểu đồ, từ đó xác định mức độ suy giảm hay mất thính lực của một người.
- Đo nhĩ lượng: Kiểm tra chuyển động của màng nhĩ.
- Chụp CT: Xác định khu vực tai trong có bị tổn thương hay không, thường liên quan đến việc người bệnh có triệu chứng chóng mặt, quay cuồng, buồn nôn, nôn,…
- Xét nghiệm vi sinh: Nhằm mục đích xác định loại vi khuẩn gây bệnh trong mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân.
Thủng màng nhĩ có nguy hiểm không?
Thủng màng nhĩ thường không nguy hiểm, quan trọng là người bệnh vệ sinh tai đúng cách, không để tình trạng viêm nhiễm xuất hiện. Nếu thủng màng nhĩ kèm nhiễm trùng, người bệnh nên chủ động khám chuyên khoa Tai Mũi Họng để bác sĩ có hướng điều trị thích hợp nhất.
Một số biến chứng do thủng màng nhĩ có thể xảy ra bao gồm viêm tai giữa cấp, viêm tai giữa mạn tính, viêm tai giữa Cholesteatoma, nghe kém dẫn truyền,…
Điều trị thủng màng nhĩ
Hầu hết các trường hợp thủng màng nhĩ nhẹ có thể tự lành mà không cần điều trị. Tùy mức độ và thời gian mắc bệnh, bác sĩ có thể chỉ định điều trị nội khoa (dùng thuốc) hoặc ngoại khoa (phẫu thuật) khi cần thiết.
Nếu có dấu hiệu nhiễm trùng hoặc muốn ngăn chặn tình trạng nhiễm trùng tai trong khi màng nhĩ lành lại, bác sĩ có thể chỉ định thuốc kháng sinh nhỏ tai cho người bệnh.
Trường hợp màng nhĩ không thể tự lành hoặc thủng màng nhĩ kèm viêm tai giữa,… bác sĩ sẽ điều trị ổn định đợt nhiễm trùng và tiến hành phẫu thuật vá màng nhĩ. Phẫu thuật có thể chống chỉ đỉnh trong khi bệnh nhân có u ác tính tai ngoài, tai giữa; viêm tai giữa biến chứng nội sọ đang tiến triển,…
Tai bị thủng màng nhĩ có chữa được không? Các biện pháp điều trị thủng màng nhĩ.
Cách phòng ngừa thủng màng nhĩ
Chủ động bảo vệ đôi tai, vệ sinh tai đúng cách là một trong những cách phòng thủng màng nhĩ:
- Điều trị nhiễm trùng tai giữa nếu có: Các triệu chứng của nhiễm trùng tai giữa có thể bao gồm: đau tai, nghẹt mũi, sốt, ù tai, suy giảm thính lực,… Nếu sau vài ngày các triệu chứng nhiễm trùng tai không thuyên giảm, người bệnh cần thăm khám với bác sĩ để điều trị kịp thời, tránh biến chứng thủng màng nhĩ.
- Vệ sinh tai không chỉ sạch sẽ mà còn cần đúng cách: Không dùng tăm bông chọc sâu vào ống tai, vì màng nhĩ chỉ cách ống tai khoảng 1,5 - 2 cm (người lớn) và 1 - 1,5 cm (ở trẻ em), do đó, không cẩn thận có thể trực tiếp chọc thủng màng nhĩ. Bên cạnh đó, bản chất tai có khả năng tự làm sạch, ráy tai theo các cử động nhai có thể được đẩy ra ngoài ống tai, mọi người chỉ cần dùng khăn bông nhẹ nhàng vùng bên ngoài. Việc sử dụng tăm bông ngoáy sâu vào tai trong không đảm bảo, và khiến ráy tai thụt sâu hơn. (3)
- Màng nhĩ có thể bị thủng bởi sự thay đổi áp suất đột ngột như khi máy bay cất cánh - hạ cánh, mọi người có thể sử dụng một số típ nhỏ như nhai kẹo cao su, nuốt nước bọt, đeo nút tai,… để hạn chế các tác động của áp suất lên màng nhĩ.
- Tránh nguồn âm thanh lớn: Mọi người cần chủ động đeo nút bịt tai khi làm việc trong các môi trường có âm thanh lớn như tiếng bắn súng, tiếng động cơ,… Hay trong các buổi lễ hội, đám tiệc, hãy nhắc nhở con trẻ tránh xa các loa âm thanh lớn.
Câu hỏi thường gặp về thủng màng nhĩ
1. Thủng màng nhĩ có lành lại được không?
Màng nhĩ có thể tự lành được. Nếu không thể tự lành, bác sĩ có thể chỉ định một số biện pháp như phẫu thuật để vá màng nhĩ.
Bị thủng màng nhĩ có tự lành được không và cách điều trị thế nào?
2. Bị thủng màng nhĩ có nghe được không?
Người bị thủng màng nhĩ vẫn có thể nghe được, tuy nhiên, mức độ suy giảm thính lực dẫn đến nghe kém còn phụ thuộc vào tình trạng của từng người. Bác sĩ có thể tiến hành đo thính lực để xác định mức độ nghe kém của người bệnh.
3. Bị thủng màng nhĩ có đau không?
Mức độ đau khi thủng màng nhĩ có thể từ nhẹ đến nặng tùy từng trường hợp. Một số người có thể không cảm thấy đau đớn vào thời điểm màng nhĩ bị thủng nên không phát hiện ra, và cơn đau chỉ xuất hiện khi vết thương bị nhiễm trùng.
Một trường hợp khác như dị vật, tăm bông làm thủng màng nhĩ, người bệnh có thể đam thấy đau ngay thời điểm đó.
4. Thủng màng nhĩ có bị chảy máu không?
Thủng màng nhĩ có thể gây chảy máu tai hoặc không, chủ yếu gặp trong các trường hợp chấn thương tai. Lúc này, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được bác sĩ kiểm tra và xử trí kịp thời.
5. Bị thủng màng nhĩ có sao không?
Bị thủng màng nhĩ không nguy hiểm nên người bệnh không cần quá lo lắng. Nếu cảm thấy các triệu chứng như đau tai, ù tai, chảy dịch, nghe kém,… tăng nặng, người bệnh nên đến thăm khám với bác sĩ để được kiểm tra, điều trị kịp thời và hướng dẫn chăm sóc đúng cách.
6. Màng nhĩ có dễ bị thủng không?
Màng nhĩ hoàn toàn có thể bị thủng. Những đối tượng nguy cơ như trẻ nhỏ, người làm việc trong công xưởng tiếng ồn lớn, thợ lặn,… cần chú ý hơn để có thể bảo vệ màng nhĩ lành lặn.
7. Thủng màng nhĩ có bị điếc không?
Rất ít trường hợp thủng màng nhĩ đơn thuần có thể gây điếc, tuy nhiên, người bệnh có thể gặp những đợt ù tai, giảm thính lực khi bị thủng màng nhĩ.
8. Thủng màng nhĩ có đi máy bay được không?
Sự thay đổi áp suất khi đi máy bay có thể khiến thủng màng nhĩ lâu lành hơn. Đặc biệt những trường hợp vừa phẫu thuật vá nhĩ xong, tốt nhất nên hạn chế đi máy bay trong vòng một tháng sau phẫu thuật để tránh rách màng nhĩ mới.
9. Cách vệ sinh tai khi bị thủng màng nhĩ?
Trong quá trình chờ màng nhĩ lành hẳn, người bệnh cần tuân thủ lưu ý của bác sĩ khi vệ sinh và sử dụng thuốc nhỏ tai. Ngoài ra, người bệnh cần:
- Giữ tai luôn khô ráo: Đeo mũ trùm đầu khi tắm để bảo vệ tai.
- Không dùng tăm bông để ngoáy sâu vào ống tai. Dùng khăn ấm, ẩm, lau nhẹ nhàng vành tai và lau đi những chất dịch chảy ra ngoài.
- Hạn chế xì mũi: Một số trường hợp xì mũi, hắt hơi tạo ra áp lực có thể gây thủng màng nhĩ. Nếu cần xì mũi, hãy bịt một bên mũi lại rồi xì ra nhẹ nhàng, sau đó đổi bên nếu cần. Lưu ý nếu có đợt viêm xoang, viêm mũi kèm theo, hãy báo với bác sĩ để có hướng điều trị thích hợp nhất.
Để đặt lịch khám, điều trị thủng màng nhĩ và các bệnh lý tai mũi họng tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách hàng vui lòng liên hệ:
Thủng màng nhĩ có thể tự lành trong khoảng vài tuần đến một tháng. Người bệnh nên tuân thủ điều trị, chú ý vệ sinh tai đúng cách, theo dõi chặt chẽ các triệu chứng và đến thăm khám tại các cơ y tế khi có các dấu hiệu bất thường như sốt, chảy máu tai, chảy dịch tai, đau tai, ù tai,…