Trong quan niệm của người Việt, ông Công và 3 vị Thần Táo (hay vua Bếp) là những vị thần định đoạt cát hung, phước đức cho gia đình. Xuất phát từ tín ngưỡng đó, lễ đưa ông Công, ông Táo về trời luôn được các gia đình thực hiện chu đáo. Ngày Tết ông Công, ông Táo 2023 năm nay rơi vào thứ Bảy, ngày 14/1/2023 dương lịch.
Đây là thời điểm các thần sẽ cưỡi cá chép lên trời để báo cáo với Ngọc Hoàng về tất cả việc làm tốt, xấu của con người trong một năm để thiên đình định đoạt công tội, thưởng phạt phân minh.
Dưới đây là những ngày đẹp để cúng ông Công, ông Táo năm 2023:
- Ngày 17 tháng Chạp (8/1/2023 dương lịch): Tức Chủ nhật, ngày Bính Dần, là ngày Hoàng đạo Kim Quỹ.
- Ngày 18 tháng Chạp (9/1/2023 dương lịch): Tức thứ Hai, ngày Đinh Mão, là ngày Hoàng Đạo.
- Ngày 20 tháng Chạp (11/01/2023 dương lịch): Tức thứ Tư, ngày Kỷ Tỵ, là ngày Hoàng đạo Ngọc Đường.
- Ngày 23 tháng Chạp (14/1/2023 dương lịch): Tức thứ Bảy, ngày Nhâm Thân, Hoàng Đạo Tư Mệnh.
Giờ đẹp cúng ông Công ông Táo năm 2023:
- Ngày 17 tháng Chạp:
Các khung giờ đẹp trong ngày 17 tháng Chạp năm Nhâm Dần gồm: Tý (23h-1h); Sửu (1h-3h); Thìn (7h-9h); Tỵ (9h-11h); Mùi (13h-15h); Tuất (19h-21h).
- Ngày 18 tháng Chạp:
Các khung giờ tốt trong ngày 18 tháng Chạp gồm: Tý (23h-1h); Dần (3h-5h); Mão (5h-7h); Ngọ (11h-13h); Mùi (13h-15h); Dậu (17h-19h).
- Ngày 20 tháng Chạp:
Các khung giờ tốt trong ngày 20 tháng Chạp gồm: Sửu (1h-3h); Thìn (7h-9h); Ngọ (11h-13h); Mùi (13h-15h); Tuất (19h-21h); Hợi (21h-23h).
Trong đó, giờ Ngọ ngày 20 tháng Chạp là giờ Tốc hỷ, là khung giờ đẹp nhất để cúng Táo quân. Nếu gia chủ tiến hành làm lễ cúng Táo quân vào khung giờ này sẽ hứa hẹn cả năm mới gặp nhiều may mắn, gặp dữ hóa lành.
- Ngày 23 tháng Chạp:
Các khung giờ tốt trong ngày 23 tháng Chạp gồm: Thìn (7h-9h), Tỵ (9h-11h), tốt nhất là trước 12 giờ trưa.
Đặc biệt, trong ngày 23 tháng Chạp năm Nhâm Dần, giờ Thìn là giờ Tốc hỷ, rất thích hợp để tiến hành nghi lễ cúng tiễn ông Táo về trời.
Mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo
Theo phong tục, lễ cúng Táo quân không thể thiếu được những vật phẩm sau:
- Bánh kẹo, trầu cau, rượu.
- Hương thơm, hoa tươi, ngũ quả.
- Ba bộ mũ áo, hia hài Táo quân cùng vàng nén.
- Ba con cá chép sống để Táo quân cưỡi bay về trời.
Bên cạnh đó, tùy vào điều kiện, hoàn cảnh của từng gia đình có thể cúng lễ chay hay lễ mặn.
Bài văn khấn ông Công ông Táo được lưu truyền trong dân gian
Nam mô a di đà Phật! (3 lần).
Kính lạy Ngài Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân!
Tín chủ con là :.............
Ngụ tại :.......................
Nhằm ngày .... tháng Chạp, tín chủ chúng con thành tâm, sửa biện hương hoa phẩm vật, xiêm hài áo mũ, nghi lễ cung trần, dâng lên trước án, dâng hiến Tôn Thần, đốt nén Tâm Hương dốc lòng bái thỉnh.
Chúng con kính mời :
Ngài Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân giáng lâm trước án thụ hưởng lễ vật.
Phỏng theo lệ cũ, Ngài là vị chủ, Ngũ Tự Gia Thần, soi xét lòng trần, Táo Quân chứng giám.
Trong năm sai phạm, các tội lỗi lầm, cúi xin Tôn Thần, gia ân châm chước. Ban lộc, ban phước, phù hộ toàn gia, trai gái trẻ già, an ninh khang thái.
Dãi tấm lòng thành, cúi xin chứng giám.
Cẩn cáo.
Nam mô a di đà Phật! (3 lần).